(84.28) 62 75 74 79      info@monarch.vn   |  Tin tức  |  Liên hệ   |  Cơ hội nghề nghiệp

Có được phép nuôi chó, mèo ở chung cư?

Yêu mến thú cưng là chuyện thường nhưng nếu nuôi ở chung cư được xem là hành động quấy rối hàng xóm vì gây tiếng ồn, dù chỉ là nuôi một con chó.

Tại một chung cư trong khu vực nội thành TP.Hồ Chí Minh, dù ban quản lý có quy định không được dẫn chó, mèo đi chung thang máy với cư dân nhưng một số người vẫn vô tư dẫn chó vào thang máy không rọ miệng, có khi chó còn đi vệ sinh trong thang máy gây khó chịu cho người đi cùng.

Tương tự, một số cư dân sinh sống tại chung cư cũng cho rằng nhiều người nói giữ vệ sinh cẩn thận, không để chó cắn người... nhưng suốt ngày sủa inh ỏi, lông chó bay lung tung, hàng xóm phải chịu đựng hết ngày này qua ngày khác. Trong khi sống trong môi trường sinh hoạt cộng đồng nhưng lại không quan tâm đến lợi ích chung của người khác, do vậy đã dẫn đến những sự bất đồng trong cộng đồng nhà chung cư.

Lợi Ích Khi Bạn Nhận Nuôi Chó Làm Thú Cưng

Nuôi chó, mèo ở chung cư luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhóm cư dân

Nhắc đến việc nuôi chó, mèo ở chung cư, chúng tôi thực hiện một cư dân ngụ tại một chung cư ở quận 8 bức xúc: "Con tôi rất mẫn cảm, suốt ngày khó thở, khò khè vì bị dị ứng lông chó, mèo, phải đi bệnh viện thường xuyên. Chưa kể, cháu ra hành lang chơi bị chó liếm vào da cũng gây dị ứng, mẫn đỏ. Nói chung, người ta nuôi chó mình không can thiệp nhưng bị ảnh hưởng rất mệt mỏi".

Thừa nhận việc nuôi chó mèo là sở thích cá nhân, bản thân cũng đang nuôi một chú chó dòng Poodle, tuy nhiên một bạn trẻ đang ngụ tại chung cư Saigon Gateway TP Thủ Đức lưu ý việc nuôi thú cưng rất dễ gây ra những xích mích không hồi kết ở các chung cư. Vì vậy, trước khi quyết định nuôi, phải kiểm tra kỹ thông tin xem chung cư đang ở có cho nuôi thú cưng hay không. "Đặc biệt, cần cân nhắc kỹ đến việc có bảo đảm được thời gian chăm sóc không. Vì nếu thường xuyên để chúng ở nhà một mình dễ dẫn đến tình trạng stress, sủa inh ỏi, làm ảnh hưởng đến hàng xóm hoặc phóng uế là điều khó tránh khỏi".

Một số cư dân bị ảnh hưởng nhiều từ hoạt động nuôi thú cưng tại các chung cư đã có động thái rất dứt khoát: "Vì vài người nuôi chó nhưng gây ảnh hưởng đến hàng trăm hộ còn lại. Cần cấm triệt để không cho nuôi nhốt vật nuôi ở chung cư".

Theo ý kiến của các Ban quản lý chung cư, việc nuôi chó, mèo trong chung cư luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhóm cư dân. "Bao giờ cũng vậy, sở thích của người này nhưng là nỗi ám ảnh của người khác. Cho nên, các chung cư cần có quy định cụ thể bằng việc thông qua tại hội nghị nhà chung cư. Từ đó mà có cách hành xử cho hợp lý"

Về các quy định hiện hành, khoản 3 điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Về khái niệm gia súc, theo khoản 6, 7, 8 điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì "gia súc" là các loài động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có hai chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi. Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm... Tại phụ lục II trong Thông tư 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy thú nuôi là chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm. Do đó, việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định.

Bài viết liên quan